KHÁM SỨC KHỎE TẠI ĐỨC NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN QUAN TÂM
Không chỉ là đầu tàu về kinh tế, Đức còn là nơi đi đầu trong nền y học trên thế giới. Tại đây, sức khỏe của người dân được chăm sóc chu đáo với hệ thống y tế phát triển vượt bậc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chủ đề Khám sức khỏe tại Đức và những điều cần quan tâm trong bài viết này nhé.
1. Hệ thống y tế Đức phát triển vượt bậc
So với các nước trên thế giới, mức chi tiêu cho y tế của Đức là khá cao, khoảng 11% (tương đương 400 tỷ EURO) trên tổng số GDP. Điều này cho thấy hệ thống y tế tại Đức rất được chính phủ quan tâm và chú trọng với quy mô lớn, cơ sở vật chất hiện đại.
1.1 Hệ thống Y tế nước Đức
Mạng lưới bệnh viện được trải rộng khắp nước Đức, đảm bảo mỗi một thành phố đều có các bệnh viện lớn, đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân. Tính đến hiện nay, có đến 2100 cơ sở y tế bao gồm các bệnh viện vừa và nhỏ, bệnh viện công và bệnh viện tư. Đức được coi là thủ phủ của các bệnh viện nổi tiếng trên thế giới, ví dụ như Bệnh Viện Đại Học Charité, Bệnh Viện Đại Học Frankfurt Am Main, Bệnh Viện Đại Học Rechts Der Isar…
Nơi đây nổi tiếng với nhiều thành tựu y học về đào tạo và khám, chữa bệnh với các phương pháp điều trị tiên tiến. Những thành tựu này không chỉ đứng đầu châu Âu mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới. Đã có rất nhiều ca bệnh tưởng chừng không thể chữa trị nhưng đã được các y bác sĩ tại đây áp các phương pháp điều trị lâm sàng chưa từng được áp dụng ở các nước khác.
Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều bậc thầy trong ngành y, đạt các giải thưởng danh giá. Do đó, việc đào tạo và giảng dạy ngành y tại đây càng được chú trọng. Các y bác sĩ được đánh giá cao về cả trình độ chuyên môn và phẩm chất y đức. Họ luôn nói thẳng, nói thật, tận tình chu đáo chăm sóc bệnh nhân không phân biệt quốc gia, cấp bậc, địa vị. Đối với họ, đã là bệnh nhân thì đều có quyền bình đẳng và được chăm sóc với các chế độ như nhau. Vì vậy, nếu có là du học sinh hay người nước ngoài đến đây học tập và làm việc bạn cũng hãy yên tâm mỗi lần đi khám sức khỏe tại Đức.
1.2 Phân loại các kiểu bệnh viện, phòng khám tại Đức
Nếu tại Việt Nam, mỗi lần khám sức khỏe, người dân có thể lựa chọn việc đi khám tại bệnh viện công hay bệnh viện tư tùy thuộc vào mục đích của người khám bệnh. Thì tại Đức, hệ thống y tế làm việc được chia theo các cấp độ. Có hai cấp độ cơ bản đó là phòng khám tư (Praxis) và phòng khám công (Krankenhaus). Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn để họ chỉ định nơi bạn đi khám.
Một điểm khác biệt khác trong hệ thống y tế của Đức là việc chi trả bảo hiểm. Nếu tại Việt Nam và một số quốc gia khác, bảo hiểm chỉ chi trả khi bạn đến khám bệnh tại các bệnh viện công, các bệnh viện tư sẽ không nhận được sự chi trả của bảo hiểm. Thì tại Đức, khi bạn tới khám và chữa bệnh tại một trong hai bệnh viện này đều nhận được sự chi trả từ bảo hiểm. Có lẽ vì vậy mà việc khám sức khỏe tại Đức diễn ra thường xuyên hơn, người dân mỗi năm thường đi khám 1-2 lần để kiểm tra sức khỏe định kỳ của họ.
Bệnh viện tư - Praxis
Bệnh viện tư là dạng bệnh viện do các bác sĩ tư mở phòng khám tại nhà. Vì nhu cầu kiểm tra định kỳ hàng năm của người dân Đức khá lớn, nên các phòng khám tư này rất nhiều. Mỗi khu vực sẽ có 1 hoặc một số Praxis. Những bệnh nhân có nhu cầu khám, chữa các bệnh cơ bản, không yêu cầu kỹ thuật quá cao thì sẽ đến khám tại Praxis.
Bệnh viện công - Krankenhaus
Krankenhaus là các bệnh viện lớn, được mở ra do chính phủ và các đơn vị nhà nước. Các bác sĩ làm việc ở đây được gọi là bác sĩ công. Đây là nơi điều trị các bệnh lý phức tạp, cấp cứu hoặc các bệnh nhân cần điều trị lâu dài.
Dù là bác sĩ công hay bác sĩ tư thì họ đều được đánh giá là có chuyên môn cao, phẩm hạnh đạo đức tốt của một người bác sĩ thực thụ. Việc phân cấp hệ thống y tế này nhằm giúp giảm thiểu tình trạng quá tải của các bệnh viện hay việc thăm khám chậm trễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
2. Khám sức khỏe tại Đức có phức tạp không?
2.1 Giấy tờ cần chuẩn bị khi khám sức khỏe tại Đức
Cũng giống như tại Việt Nam, khi đi khám sức khỏe tại Đức thứ bạn cần mang theo nhất chính là thẻ bảo hiểm. Dù khám tại Praxis hay Krankenhaus, thẻ bảo hiểm cũng sẽ chi trả cho bạn một phần chi phí, vì vậy, đây là vật bất ly thân mà bạn cần mang theo. Tùy thuộc vào hạng bảo hiểm mà bạn tham gia và bệnh lý mà bạn mắc phải để quyết định thẻ bảo hiểm sẽ chi trả cho bạn ở mức độ nào.
2.2 Phải đặt lịch hẹn mới được tới gặp bác sĩ
Như bạn đã biết, người Đức làm việc rất có nguyên tắc và đúng giờ. Việc khám và chữa bệnh cũng vậy. Bạn cần lên lịch hẹn trước rồi mới được tới gặp bác sĩ (ngoại trừ các trường hợp bệnh nghiêm trọng không lường trước được).
Bạn nên đặt lịch khám ít nhất là 2 tuần. Trong trường hợp bạn không đặt lịch hẹn nhưng đến bệnh viện khám, bạn sẽ phải đợi rất lâu để bác sĩ khám cho những bệnh nhân đã đặt lịch trước đó. Nếu trong ngày hôm đó lượng bệnh nhân đặt lịch đã hết và thời gian làm việc của bác sĩ vẫn còn thì bạn có thể sẽ được thăm khám luôn, tuy nhiên trường hợp này rất hiếm khi. Phần lớn bạn sẽ phải ra về và đặt lịch vào một ngày khác, thậm chí nhiều trường hợp bác sĩ không khám bệnh cho những ai chưa đặt lịch với bệnh viện.
Để đặt lịch khám sức khỏe tại Đức, bạn có thể đặt qua email, điện thoại hoặc đặt lịch trực tiếp tại bệnh viện. Bạn nên kiểm tra lịch làm việc của bác sĩ trước khi đặt lịch. Thời gian làm việc thường sẽ được thông báo trên các trang web của bệnh viện hoặc sẽ được thông báo bởi trợ lý bác sĩ khi bạn gọi điện đặt lịch.
3. Chi phí khám sức khỏe tại Đức
3.1 Đối với người dân bản sứ
Tại đất nước này, tất cả người dân đều phải tham gia bảo hiểm an sinh xã hội. Tùy thuộc vào thu nhập cố định của người dân để tính ra chi phí an sinh xã hội họ cần phải đóng. Nhìn chung, tổng các loại bảo hiểm mà người dân cần phải đóng rơi vào 40% tổng thu nhập trước thuế của họ. Trong đó 20% sẽ do chủ các doanh nghiệp nơi họ làm việc đóng, 20% còn lại do chính người dân đóng. Và bảo hiểm y tế chiếm 14,6% trong tổng số 40% mức bảo hiểm họ cần đóng.
Với mức đóng bảo hiểm y tế này, khi khám sức tại Đức bảo hiểm sẽ không chi trả cho bạn toàn bộ chi phí, điều đó còn phụ thuộc vào quy định của hãng bảo hiểm mà bạn đăng ký. Tuy nhiên thường thì mức chi trả của các hãng bảo hiểm sẽ tương đương nhau. Thẻ bảo hiểm sẽ thanh toán cho bạn các khoản cần thiết khẩn cấp. Các chi phí điều trị thông thường từ khám, thuốc chữa bệnh, phẫu thuật đều sẽ được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Các chi phí phát sinh ngoài, phí gọi xe cứu thương hay các vấn đề liên quan về thẩm mỹ thì bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho bạn.
3.2 Đối với các du học sinh
Bảo hiểm y tế là một trong những giấy tờ bắt buộc bạn phải có khi xin cấp visa và gia hạn visa. Có 3 loại bảo hiểm cho các du học sinh lựa chọn đó là bảo hiểm công cộng, bảo hiểm tư và kết hợp cả 2 loại bảo hiểm trên. Đối với những bạn du học sinh vừa học vừa làm, sẽ tự động tham gia bảo hiểm an sinh xã hội của Đức như một người dân, do đó bạn sẽ được hưởng các chính sách như người dân bản địa.
Đối với các bạn du học sinh Đức, bạn cũng sẽ được hỗ trợ chi trả từ bảo hiểm y tế trong phạm vi tối thiểu mà các bảo hiểm y tế của Đức phải đáp ứng như chi phí thuốc, khám chữa bệnh,...
Do mức chi trả của bảo hiểm còn tùy thuộc vào hãng bảo hiểm bạn đăng ký. Bạn nên hỏi kỹ các hãng bán bảo hiểm cho bạn để biết được những khoản nào sẽ được chi trả cho bạn trong trường hợp bạn có nhu cầu khám bệnh tại Đức. Đây là cách an toàn nhất.
>>> Xem thêm: Mua thuốc ở Đức như thế nào?
4. Top bệnh viện nổi tiếng ở Đức
4.1 Bệnh viện Đại học Charite
Bệnh viện Đại học Charite được thành lập vào năm 1710 tọa lạc tại thành phố Berlin - thành phố Y tế số 1 của Đức. Không chỉ nổi tiếng ở Đức, đây còn là một trong những bệnh viện nổi tiếng trên thế giới. Năm 2012 - 2019, Focus đã xếp hạng bệnh viện là một trong số 1000 bệnh viện tốt nhất tại Đức. Năm 2019 - 2020, Newsweek đánh giá Charite là bệnh viện tốt nhất tại Châu Âu và tốt thứ 5 trên thế giới.
Bệnh viện Đại học Charite đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đây là nơi điều trị nhiều bệnh nhân nhất trong tất cả các bệnh viện tại Đức. Charite cũng là nơi học tập và làm việc của nhiều nhà khoa học và thầy thuốc nổi tiếng như: Selmar Aschheim, August Bier, Theodor Billroth,... Hơn một nửa những người đạt giải Nobel của Đức trong lĩnh vực Sinh lý và Y học đã làm việc tại Charite. Vì vậy, có thể nói, đây là một bệnh viện có truyền thống Y học lâu đời và là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của ngành Y. Nếu bạn đến đây để khám và chữa bệnh thì không cần phải lo lắng bởi những y bác sĩ giỏi nhất đã tụ họp tại đây hết rồi.
4.2 Bệnh viện đại học Frankfurt am Main, Frankfurt
Nhắc đến các bệnh viện nổi tiếng tại Frankfurt thì nhất định phải nhắc đến Bệnh viện đại học Frankfurt am Main. Được thành lập năm 1914, nơi đây có 32 phòng ban, 20 viện nghiên cứu nổi tiếng về điều trị ung thư, thần kinh và tim mạch. Mỗi năm cơ sở này tiếp nhận hơn 51.000 bệnh nhân nội trú và 45.000 bệnh nhân ngoại trú.
Được xây dựng trên tiêu chuẩn hiện đại, tại đây người bệnh có thể lựa chọn phòng đơn và phòng đôi với thiết kế trẻ trung đem lại cảm giác như ở nhà, các trang thiết bị sử dụng trong phẫu thuật và khám chữa bệnh đều là những loại đắt tiền.
4.3 Trung tâm Y tế Đại học Hamburg-Eppendorf, Hamburg
Năm 1889, Bệnh viện đại học Hamburg-Eppendorf được thành lập, là một trong những bệnh viện lớn nhất ở Hamburg. Đến năm 1934, nơi đây được trở thành trung tâm y tế đại học Hamburg-Eppendorf (UKE). Đây là một trong những phòng khám tư nhân có chuyên môn cao trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Hiện nay, toàn bộ bệnh viện có 9.000 nhân viên, trong đó có 2.300 là các bác sĩ. Đội ngũ nhân viên và các y bác sĩ tại đây giàu kinh nghiệm, làm việc chuyên nghiệp và chặt chẽ.
Không chỉ có máy móc, trang thiết bị hiện đại,với dịch vụ y tế chất lượng, nơi đây đạt điều kiện có hai chứng chỉ ISO 9001 và ISO 14001 - những chứng chỉ mà không phải bệnh viện nào cũng có thể có được. Bệnh viện như một khu dân cư thu nhỏ có ngân hàng, siêu thị, tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện,... phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân ngay trong khuôn viên. Ngoài ra, các dịch vụ như wifi miễn phí, dịch vụ giặt ủi, phòng dành cho gia đình, lưu trú qua đêm,... cũng được cung cấp để đem lại sự tiện nghi và thoải mái nhất cho bệnh nhân.
4.4 Bệnh viện Đại học Rechts der Isar
Bệnh viện Đại học Rechts der Isar được thành lập vào năm 1834, tọa lạc tại thành phố Munich của nước Đức. Bệnh viện bao gồm toàn bộ lĩnh vực y học hiện đại, chữa trị tất cả các dạng bệnh lý như ung bướu, huyết học, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tim. Phòng khám có nhiều loại thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cho phép bác sĩ thực hiện các biện pháp can thiệp chính xác nhất.
Đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, gồm nhiều chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nội mạch, thần kinh và mạch máu. Đây chính là nơi đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép thành công cả hai tay gồm bàng quang, niệu quản và mạch máu não đầu tiên trong lịch sử y học.
4.5 Bệnh viện Đại học Heidelberg
Bệnh viện Đại học Heidelberg là một phần của Trường Y Đại học Heidelberg - một trong những trường đại học lâu đời nhất tại Đức. Sử dụng các chương trình giảng dạy tốt nhất, đây là một trong những trung tâm y tế lớn nhất tại Đức. Với 1.600 giáo sư và bác sĩ, gần 50 khoa chuyên môn , bệnh viện chuyên chẩn đoán các bệnh lý phức tạp và điều trị bằng những biện pháp hiện đại, công nghệ tiên tiến nhất trong đó nổi tiếng nhất là điều trị về ung thư.
Với 1900 giường bệnh, mỗi năm tại đây tiếp nhận hàng triệu bệnh nhân ngoại trú và 65.000 bệnh nhân nội trú. Không chỉ là nơi điều trị, đây còn là nơi đào tạo và giảng dạy cho gần 4.000 bác sĩ, liên kết phối hợp với nhiều trung tâm nghiên cứu tìm ra những phương pháp điều trị và chữa bệnh hiệu quả.
5. Kinh nghiệm khám sức khỏe tại Đức
Đối với nhiều bạn thì việc phải đến bệnh viện là một điều sợ hãi. Nhất là khi chúng ta đang ở một đất nước xa lạ. Vì vậy, hãy lưu lại những kinh nghiệm sau để khám sức khỏe tại Đức không còn là nỗi lo sợ nhé.
5.1 Cách tìm kiếm phòng khám gần nơi mình sinh sống
Có rất nhiều cách tìm kiếm phòng khám gần nơi bạn sinh sống. Người Đức thường có thói quen khám định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc một năm một lần và thường sẽ khám tại các phòng khám quen gần nhà. Vì vậy, bạn có thể hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm để biết được địa chỉ và những phòng khám chuyên khoa mà bạn cần.
Nếu bạn là một người hướng nội và sợ làm phiền người khác, cách đơn giản nhất giúp bạn có thể tìm kiếm phòng khám đó là tra google. Cách tra tương tự như ở Việt Nam. Bạn có thể bật định vị của bạn lên, sau đó gõ từ khóa Hausärzte in der Nähe von mir (nếu muốn tìm các bác sĩ đa khoa gần bạn), Krankenhäuser in der Nähe von mir (nếu muốn tìm bệnh viện gần bạn).
5.2 Chỉ mua thuốc sau khi có kê đơn của bác sĩ
Đạo luật y tế ở Đức khá nghiêm ngặt vì vậy, đối với những đơn thuốc đã được chỉ định của bác sĩ, bạn chỉ nên mua những loại thuốc đó khi ra tiệm thuốc. Không nên mua thêm những loại thuốc khác ngoài chỉ định của bác sĩ để tránh phiền thức. Chỉ những loại thuốc cơ bản cho những bệnh lý nhẹ như ho, sổ mũi không có sự chỉ định của bác sĩ bạn mới có thể tự ý mua ngoài.
5.3 Thẻ bảo hiểm Y tế không chi trả toàn bộ viện phí cho bạn
Cũng giống như ở Việt Nam, thẻ bảo hiểm sẽ hỗ trợ bạn một phần chi phí khám chữa bệnh. Để biết rõ cụ thể những khoản bảo hiểm sẽ chi trả hãy hỏi thật kỹ bên hãng bảo hiểm bạn đăng ký mua nhé.
>>> Bạn cũng quan tâm: Tips để đi siêu thị ở Đức “Giỏi như người bản xứ”
Việc ốm đau, bệnh tật và phải đến bệnh viện là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, đối với những bạn du học sinh sống tại nơi đất khách quê người thì cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về khám sức khỏe tại Đức để trong những trường hợp xấu có thể không bỡ ngỡ. Nếu bạn cần thêm bất kỳ thông tin nào hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp nhé.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm